Chủ nghĩa tự do hiện đại Chủ_nghĩa_tự_do

Chủ nghĩa tự do đã có những tác động rất lớn trong thế giới hiện đại. Các quan niệm về tự do cá nhân, về sự tôn trọng cá nhân, tự do ngôn luận, khoan dung tôn giáo, quyền tư hữu, quyền con người phổ quát, sự minh bạch của chính phủ, hạn chế quyền lực chính phủ, chủ quyền thuộc về nhân dân, quyền tự quyết của mỗi quốc gia, tính riêng tư, chính sách "sáng suốt" và "hợp lý", nền pháp trị, quyền bình đẳng căn bản, một nền kinh tế thị trường tự do, và thương mại tự do, 250 năm trước tất cả đều đã là các quan điểm cấp tiến. Dân chủ tự do, trong hình thức điển hình đa đảng đa nguyên chính trị, đã lan rộng hầu khắp thế giới. Ngày nay, tất cả những điều trên đều được chấp nhận là các mục đích cho chính sách của hầu hết các nước, ngay cả nếu còn có một khoảng cách lớn giữa các tuyên bố và thực tiễn. Chúng là các mục đích không chỉ của những người tự do chủ nghĩa mà còn của các đại biểu dân chủ xã hội, bảo thủ, và Dân chủ Thiên chúa giáo. Tất nhiên là vẫn có người phản đối.[69]

Tổng quan về các quan điểm chính trị của các đảng và phong trào tự do hiện đại

Ngày nay từ "liberalism" được sử dụng khác nhau ở các nước khác nhau. Nhất là giữa Mỹ và châu Âu.[70] Ở Mỹ, liberalism thường được dùng để chỉ chủ nghĩa tự do hiện đại, đối lập với chủ nghĩa bảo thủ kiểu Mỹ. Những người Mỹ theo chủ nghĩa tự do chấp nhận điều tiết kinh tế, một nhà nước phúc lợi xã hội hạn chế, và ủng hộ khoan dung tôn giáo, dân tộc, giới, màu da, và do vậy ủng hộ đa nguyên và các hành động hiệu chỉnh (affirmative action - các hoạt động của chính phủ với mục đích trung hòa những sự thiếu công bằng về xã hội hoặc của chính phủ đối với một số nhóm cư dân). Mặt khác, tại châu Âu, chủ nghĩa tự do không chỉ đối lập với phe bảo thủ và Dân chủ Thiên chúa giáo, mà còn đối lập cả với chủ nghĩa xã hộidân chủ xã hội. Tại một số nước, những người tự do châu Âu có chung quan điểm với Dân chủ Thiên chúa giáo.

Trước khi tiếp tục giải thích về chủ đề này, cần có tuyên bố phủ nhận sau: Luôn luôn có một sự phân cách giữa các lý tưởng triết học và các thực thể chính trị. Ngoài ra, những người chống lại một niềm tin bất kỳ thường có khuynh hướng miêu tả niềm tin đó bằng những thuật ngữ khác với những gì mà những người ủng hộ sử dụng. Nội dung sau đây là một bảng liệt kê các mục tiêu đã xuất hiện một cách nhất quán nhất trong các bản tuyên ngôn chính của chủ nghĩa tự do (ví dụ, Tuyên ngôn Oxford năm 1947). Đây không phải là một cố gắng danh mục hóa các quan điểm riêng của những người, đảng phái, hoặc quốc gia cụ thể, cũng không phải là một cố gắng nghiên cứu bất kì mục tiêu ngầm nào.

Phần lớn các đảng chính trị tự nhận là tự do tuyên bố rằng họ đề cao các quyền và trách nhiệm của cá nhân, lựa chọn tự do trong một quá trình cạnh tranh mở, thị trường tự do, và trách nhiệm hai mặt của nhà nước trong việc bảo vệ công dân cá thể và đảm bảo quyền tự do của họ. Những người chỉ trích các đảng tự do có xu hướng diễn đạt các chính sách tự do theo nhiều cách khác nhau. Tự do kinh tế có thể dẫn đến sự bất bình đẳng chung. Tự do ngôn luận có thể dẫn đến các phát ngôn tục tĩu, báng bổ, hay phản bội. Vai trò của nhà nước là người thúc đẩy tự do và là người bảo vệ công dân có thể dẫn đến mâu thuẫn.

Chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dân chủ tự do đại diện là hình thức chính phủ tốt nhất. Các đại biểu dân bầu là đối tượng của pháp trị, và quyền lực của họ được điều hòa bởi một hiến pháp, hiến pháp này nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền và tự do của cá nhân và hạn chế ý chí của đa số. Các nhà tự do ủng hộ một hệ thống đa nguyên mà trong đó các quan điểm chính trị xã hội khác nhau (kể cả các quan điểm cực đoan) cạnh tranh để có quyền lực chính trị trên cơ sở dân chủ và đều có cơ hội đạt được quyền lực qua các kỳ bầu cử được tổ chức định kỳ. Nhiều nhà tự do tìm cách tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình dân chủ. Một số ủng hộ nền dân chủ trực tiếp thay cho dân chủ đại diện.

Chủ nghĩa tự do ủng hộ quyền dân sự (civil rights) của tất cả các công dân: bảo vệ và ưu tiên tự do cá nhân cho toàn thể công dân bình đẳng trước pháp luật. Trong đó có sự đối xử bình đẳng tất cả các công dân, không phân biệt chủng tộc, giới tính, và tầng lớp. Những người theo chủ nghĩa tự do còn mâu thuẫn về việc các quyền tích cực của công dân, chẳng hạn quyền được cung cấp thức ăn, nơi ở, và giáo dục, nên được đưa vào quyền dân sự tới mức độ nào. Các nhà phê bình trên quan điểm nhân quyền quốc tế cho rằng các quyền dân sự mà chủ nghĩa tự do ủng hộ chưa được mở rộng cho tất cả mọi người mà chỉ giới hạn cho các công dân của các nước cụ thể. Do đó, việc đối xử không công bằng dựa theo quốc gia là có thể xảy ra, đặc biệt nếu xét theo quốc tịch.

Pháp trị và bình đẳng trước pháp luật là cơ sở của chủ nghĩa tự do. Quyền lực chính phủ chỉ có thể được thi hành hợp lệ theo các bộ luật được thông qua theo một quy trình đã được thiết lập. Một khía cạnh khác của pháp trị là sự đảm bảo về một cơ quan tư pháp độc lập, cơ quan này có tính độc lập về chính trị để hoạt động với vai trò người bảo vệ chống lại quyền lực độc đoán trong từng trường hợp cụ thể. Những người tự do chủ nghĩa coi pháp trị là một người bảo vệ trước chế độ chuyện quyền và sự thi hành các hạn chế đối với quyền lực chính phủ. Trong hệ thống hình phạt, những người tự do phủ nhận các hình phạt mà họ coi là phi nhân tính, trong đó có án tử hình.

Các nhà tự do kinh tế còn nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường tự do và thương mại tự do, họ tìm cách hạn chế can thiệp của nhà nước trong cả kinh tế nội địa và ngoại thương. Các phong trào tự do hiện đại thường đồng ý trên nguyên tắc về quan niệm tự do thương mại, nhưng vẫn giữ một sự hoài nghi khi thấy thương mại không điều tiết dẫn tới sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia và sự tập trung quyền lực và của cải vào tay một thiểu số. Trong sự đồng thuận sau chiến tranh về nhà nước phúc lợi ở châu Âu, các nhà tự do ủng hộ trách nhiệm của nhà nước đối với giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo trong khi vẫn kêu gọi một thị trường dựa trên sự trao đổi tự do. Những người tự do chủ nghĩa đồng ý rằng tất cả các công dân cần được hưởng nền giáo dục và y tế chất lượng cao, nhưng quan điểm của họ khác nhau ở chỗ chính phủ nên cung cấp các lợi ích này ở mức độ nào. Do sự đói nghèo là mối đe dọa đối với tự do cá nhân, chủ nghĩa tự do tìm kiếm một sự cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng. Cụ thể, những người tự do chủ nghĩa thiên về sự bảo vệ đặc biệt dành cho người tàn tật, người ốm, người tật nguyền, và người cao tuổi.[71]

Đến những năm 1980 và 1990, chủ nghĩa tự do châu Âu quay trở lại với các chính sách laissez-faire hơn, họ ủng hộ tự nhân hóa và tự do hóa y tế và các dịch vụ công khác. Những người tự do châu Âu hiện đại thường có xu hướng ủng hộ một vai trò của nhà nước nhỏ hơn là mức độ mà đa số những người dân chủ xã hội ủng hộ, càng nhỏ hơn mức độ mà những người theo chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản ủng hộ. Sự đồng thuận của phái tự do châu Âu có vẻ như liên quan đến một niềm tin rằng các nền kinh tế cần được phi tập trung hóa. Nhìn chung, các nhà tự do châu Âu đương đại không tin rằng chính phủ nên trực tiếp kiểm soát bất kỳ một sản phẩm công nghiệp nào qua các doanh nghiệp nhà nước, điều này đặt họ vào vị trí đối lập với những người dân chủ xã hội.

Những người tự do tin vào tính trung lập của nhà nước, theo nghĩa rằng nhà nước không nên quyết định các giá trị cá nhân. Như John Rawls nói, "Nhà nước không có quyền quyết định xem thế nào là một cuộc sống tốt đẹp". Tại Mỹ, tính trung lập này được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập ở quyền mưu cầu hạnh phúc.

Cả ở châu Âu và Mỹ, những người tự do thường ủng hộ các phong trào đòi quyền lựa chọn và ủng hộ quyền bình đẳng cho phụ nữ và những người đồng tính luyến ái.

Nhiều người tự do chia sẻ các giá trị với những nhà hoạt động môi trường như Đảng Xanh (Green Party). Họ tìm cách giảm thiểu thiệt hại mà loài người gây ra cho thế giới tự nhiên, và tối đa hóa công tác phục hồi môi trường của những vùng bị thiệt hại. Một số các nhà hoạt động này cố gắng tạo ra những thay đổi ở mức kinh tế bằng cách cộng tác với các doanh nghiệp, nhưng một số khác thiên về việc sử dụng luật pháp để đạt đến sự phát triển bền vững. Các nhà tự do khác không chấp nhận sự điều tiết của chính phủ trong vấn đề này và lý luận rằng thị trường sẽ tự điều tiết theo một kiểu nào đó.

Không có sự nhất quán về học thuyết tự do trong chính trị quốc tế, tuy có một số khái niệm chung có thể được rút ra từ các quan điểm của Quốc tế Tự do chẳng hạn.[72] Các nhà tự do xã hội cho rằng chiến tranh có thể bị xóa bỏ. Một số ủng hộ chủ nghĩa quốc tế và ủng hộ Liên hợp quốc. Trong khi đó, các nhà tự do kinh tế lại chủ trương thuyết không can thiệp (non-interventionism) thay vì thuyết an ninh chung (collective security). Các nhà tự do tin rằng mỗi cá nhân đều có quyền hưởng các quyền tự do căn bản, và ủng hộ sự tự quyết của các nhóm dân tộc thiểu số. Những điều căn bản còn bao gồm tự do trao đổi ý tưởng, tin tức, hàng hóa và dịch vụ giữa con người với nhau, cũng như tự do di chuyển trong một nước và giữa các nước. Những người tự do thường phản đối kiểm duyệt, các rào cản bảo hộ thương mại, và các biện pháp điều tiết mua bán.

Một số người tự do chủ nghĩa đã ở trong số những người ủng hộ mạnh nhất đối với các tập đoàn quốc tế và với sự xây dựng các tổ chức siêu quốc gia, chẳng hạn như Liên minh châu Âu. Trong quan điểm của những người tự do xã hội, một thị trường toàn cầu tự do và công bằng chỉ có thể hoạt động được nếu các công ty trên khắp thế giới cùng tôn trọng một bộ các tiêu chuẩn sinh thái và xã hội tối thiểu chung. Một câu hỏi gây tranh cãi mà không hề có một sự đồng thuận của những người tự do chủ nghĩa, đó là vấn đề nhập cư. Các quốc gia có quyền hạn chế dòng người nhập cư từ các nước có dân số đang gia tăng vào các nước có dân số ổn định hay đang giảm hay không?

Chủ nghĩa tự do bảo thủ và chủ nghĩa bảo thủ tự do

Chủ nghĩa tự do bảo thủ[73] là một biến thể của chủ nghĩa tự do, nó kết hợp các giá trị và chính sách tự do với các quan điểm bảo thủ, hay nói một cách đơn giản hơn, nó đại diện cho cánh hữu của phong trào tự do.[74] Chủ nghĩa tự do bảo thủ là phiên bản tích cực hơn và ít cấp tiến hơn chủ nghĩa tự do cổ điển.[75] Các biến cố như Chiến tranh thế giới thứ nhất sau năm 1917 đã tạo ra từ phiên bản cấp tiến hơn của chủ nghĩa tự do cổ điển một dạng chủ nghĩa tự do bảo thủ hơn, hay ôn hòa hơn.[76]

Chủ nghĩa bảo thủ tự do là một biến thể của chủ nghĩa bảo thủ có những yếu tố tự do và thường phát triển ở những nước có phong trào xã hội hay lao động mạnh và chịu ảnh hưởng của Edmund Burke. Các đảng theo học thuyết này thường là thành viên của Liên minh Dân chủ quốc tế (International Democratic Union) thay vì là thành viên của Quốc tế tự do Liberal International.[77]

Học thuyết quan hệ quốc tế tự do

"Chủ nghĩa tự do" trong các mối quan hệ quốc tế là lý thuyết ủng hộ các ưu tiên của nhà nước chứ không phải năng lực của nhà nước là yếu tố quyết định hành vi của nhà nước. Khác chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế xem nhà nước là một tác nhân đơn nhất thì chủ nghĩa tự do cho phép có tính đa nguyên trong hành động của nhà nước. Các mối quan hệ giữa các nhà nước không chỉ giới hạn ở chính trị/an ninh mà còn cả văn hóa/kinh tế thông qua các công ty, các tổ chức và các cá nhân. Do vậy mà thay vào một hệ thống quốc tế mang tính vô chính phủ thì sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác và mở rộng quyền lực. Một số còn cho rằng thông qua hợp tác và các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau mà hòa bình được duy trì. Chủ nghĩa tự do trong các mối quan hệ quốc tế không chỉ liên hệ cứng nhắc tới chủ nghĩa tự do trong chính trị trong nước mà nhiều nhà tự do hiện nay đã đưa thêm nhiều quan niệm phê bình lý thuyết quan hệ quốc tế vào các chính sách đối ngoại của nước họ.[78]

Chủ nghĩa tân tự do

Bài chi tiết: Chủ nghĩa tân tự do

Chủ nghĩa tân tự do là một nhãn mác gắn cho học thuyết tự do kinh tế từ khi có bước chuyển vào những năm 1970 (rời bỏ các hành động của nhà nước) dùng để chỉ chương trình giảm thiểu các hàng rào thương mại và hạn chế thị trường trong nước trong khi vẫn sử dụng quyền lực nhà nước để ép buộc mở cửa thị trường nước ngoài. Chủ nghĩa tân tự do chấp nhận một mức độ can thiệp của nhà nước trong nền kinh tế nhất là của ngân hàng trung ương có quyền in tiền. Điều này bị các nhà tự do phản đối. Trong khi chủ nghĩa tân tự do đôi khi trùng lắp với chủ nghĩa Thatcher thì các nhà kinh tế như Joseph StiglitzMilton Friedman đã được gọi là những người tân tự do (neoliberal). Chương trình kinh tế này không nhất thiết phải là của các đảng tự do trong chính trị mà các nhà tân tự do thường không ủng hộ tự do cá nhân trong các vấn đề thuộc đạo đức hay tình dục. Điển hình là chế độ của PinochetChile, nhưng nhiều người cũng xếp cả Ronald Reagan, Margaret Thatcher và thậm chí Tony Blair và and Gerhard Schröder là những người tân tự do.[79]

Trong những năm 1990, nhiều đảng dân chủ xã hội đã áp dụng các chính sách kinh tế tân tự do (neoliberal) như tư nhân hóa công nghiệp và mở cửa thị trường, điều này khiến các đảng này có thể tạm xếp là tân tự do (de facto neoliberal) và dẫn đến việc mất sự ủng hộ của dân chúng. Ví dụ như nhiều nhà phê bình đã từng phê phán đảng Dân chủ Xã hội Đức và đảng Lao động Anh không tái quốc hữu hóa nền công nghiệp mà lại đi theo đuổi các chính sách tân tự do và do vậy mà sự ủng hộ truyền thống cho các đảng này đã chuyển sang Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo tại Đức và đảng Dân chủ Tự do tại Anh. Tuy nhiên chính cách "mặc áo sói " này đã khiến đảng Lao động tại Anh chiến thắng một cách ngoạn mục mặc dầu dĩ nhiên vẫn sẽ còn nhiều bất đồng trong đảng giữa các đảng viên lão thành và phe lãnh đạo đảng.

Đôi khi từ tân tự do "Neoliberalism" được dùng để chỉ tất cả các phong trào chống lại chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn 1970 và 1990. Như chủ nghĩa tân tự do của Thatcher, Reagan, và Pinochet chính là bước chuyển từ chính sách xã hội phúc lợi mang tính quan liêu sang chính sách hành động dựa trên năng lực của các cá nhân và dựa trên các mối quan tâm của giới doanh nhân. Trên thực tế các chính phủ này cắt giảm mạnh thuế thu nhập cho đối tượng giàu và cắt ngân sách giáo dục dẫn đến việc vai trò ảnh hưởng của tầng lớp trên và giới doanh nhân ngày càng lớn hơn.[80]

Một số người bảo thủ tự nhận họ là những người kế thừa của chủ nghĩa tự do cổ điển. Jonah Goldberg của tờ National Review đã tranh luận rằng "phần lớn những người bảo thủ đều gần gũi với các nhà tự do kinh điển hơn là những người tự nhân là tự do cá nhân (libertarians) của tờ Reason vì những người bảo thủ muốn gìn giữ những thể chế cần thiết cho tự do.[81] Nhiều người bảo thủ còn tự nhận những giá trị tự do chính là của họ khiến cho việc phân tách giữa chủ nghĩa bảo thủ và tự do khá khó khăn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ_nghĩa_tự_do http://home.vicnet.net.au/~victorp/vcontent.htm http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F017459.php http://www.americanrhetoric.com/speeches/Ihaveadre... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/339173 http://www.ditext.com/friedman/title.html http://books.google.com/books?id=1wiNKcJzwYQC&prin... http://www.liberalreview.com http://encarta.msn.com/encyclopedia_761552311_2___... http://www.nationalreview.com/goldberg/goldberg121... http://www.nationmaster.com/encyclopedia/Liberal-i...